http://www.laodong.com.vn/pls/bld/display$.htnoidung(152,103803)

Festival Huế - Trên đường tới tầm thế giới

Mặc dù đang nằm trong ảnh hưởng của cơn bão số 2, nhưng cố đô vẫn nao nức trong không khí festival cùng du khách đổ về từ mọi miền của tổ quốc cũng như nhiều quốc gia trên thế giới. Đây là lần thứ 3 ta tổ chức Festival Huế - một festival đương đại và mang tầm quốc tế tại Việt Nam. Chuyên đề này chia sẻ những mong muốn để  Festival Huế ngày càng chuyên nghiệp hơn, đúng tầm hơn...

Việt Nam là đất nước của lễ hội, nhưng hầu hết lễ hội của ta thường chỉ là các lễ hội dân gian và mang tính địa phương. Quá trình tổ chức một festival đương đại và mang tầm quốc tế như Festival Huế đã bộc lộ những tiềm năng của ta ở lĩnh vực này, trong đó còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác... Năm năm và những trông đợi
Quyên Di

Festival Huế diễn ra lần đầu tiên năm 2000, nhưng cho đến giờ tổ chức một festival đương đại và mang tính quốc tế còn là một việc khá mới mẻ với người VN.
In và off Một việc cần làm ngay là định rõ một số khái niệm cơ bản. Ví dụ, một festival bao giờ cũng gồm hai phần in và off, nhưng cho đến nay nhiều người còn mơ hồ về những khái niệm này, thậm chí còn có những quan niệm sai lệch. Mới đây có một nhà báo viết: "Điểm khác trong quan niệm về chương trình off: Tây cho đây là chương trình nghệ thuật chất lượng thấp, hoặc chưa cao, còn ta thì muốn thể hiện thành các lễ hội mang màu sắc văn hoá cộng đồng...".

tại Festival Huế 2004.

Thực ra thì sao? In là tập hợp các chương trình phù hợp với sự lựa chọn về chủ đề hoặc bản sắc nghệ thuật của giám đốc nghệ thuật festival. Off là tập hợp các chương trình được tổ chức bên lề festival của các nhóm nghệ thuật chuyên hoặc không chuyên muốn tự giới thiệu mình.

Về bản chất, off mang tính tự phát, không nằm trong sự chọn lựa của giám đốc nghệ thuật, nên trong chương trình off ta có thể xem một tiết mục xiếc hoặc một vở múa trong một festival kịch. Trong chương trình off có thể có những chương trình chất lượng rất cao cũng như có thể có những chương trình rất kém. Vì tính chất tự phát của chương trình off nên không bao giờ BTC festival đứng ra tổ chức về mặt nghệ thuật của chương trình off.

Trong khi đó ở ta, BTC tổ chức cả in cả off - đây là điều không hợp lý và vô nghĩa. Từ cách hiểu sai quan niệm này dẫn đến sự tham gia thụ động của các đoàn nghệ thuật chuyên và không chuyên vào festival, trong khi đáng ra đây là một cơ hội tốt để họ đến được với đông đảo công chúng trong nước và quốc tế, và góp phần làm nên sự đa sắc của festival.

Bao giờ chuyên nghiệp ?Một vị lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phải thừa nhận: "Chúng tôi thiếu nhân lực chuyên nghiệp cho công việc tổ chức festival". Làm sao có thể có được một festival tốt nếu đội ngũ triển khai nó chưa được đào tạo, thiếu thao luyện, ngay cả một văn phòng làm việc cố định cũng không có. Đội ngũ tổ chức cũng thiếu kinh nghiệm và gặp nhiều khó khăn khi phải àm việc bằng ngoại ngữ. Nếu so sánh với Festival nhạc jazz hàng năm ở Copenhagen (Đan Mạch) thì chúng ta sẽ thấy khoảng cách lớn như thế nào.

Festival này chỉ có 3 người trong ban tổ chức để chuẩn bị cho 900 buổi biểu diễn trong khắp thành phố suốt 4 ngày. BTC Festival Avignon (Pháp) chỉ có chưa đầy một chục người. Chúng ta có trường ĐH Văn hoá, trường Đào tạo cán bộ quản lý văn hoá. Hàng năm có biết bao sinh viên ra trường nhưng bao nhiêu người trong số họ có cơ hội đến thực tập tại Festival Huế? Bao nhiêu người làm công tác tổ chức Festival Huế đi thực tập tại các nhà văn hoá, các công ty tổ chức biểu diễn, tại các trung tâm văn hoá nước ngoài tại VN, tại Festival âm nhạc hay lễ hội du lịch trên cả nước. Thiếu thực tế như vậy thì làm sao trở thành chuyên nghiệp được?

Một ảnh hưởng nhãn tiền của sự thiếu chuyên nghiệp đó là công tác quảng cáo, khâu quan trọng này càng đặc biệt quan trọng đối với một Festival Huế còn non trẻ. Thông thường một người Châu Âu muốn đi du lịch nước ngoài sẽ tìm thông tin và quyết định từ một năm trước đó. Vậy mà, cách khai mạc festival chỉ còn vài tháng, ta vẫn chưa có thông tin tổng thể về chương trình để tiến hành quảng cáo.

Một vấn đề nữa, festival là một dịp "kéo" khách du lịch đến Huế, nhưng ta chưa có các "chiêu" để giữ chân khách. Thống kê cho thấy khách thường ở lại Huế chỉ một hai ngày, xem xong Thành Nội, một số lăng rồi cửa biển Thuận An... là hết cái xem. Vì thế cần tăng thêm các hoạt động giải trí ở Huế trong suốt cả năm chứ không chỉ trong dịp festival.

Hy vọng trong tương lai, Festival Huế sẽ vươn lên đúng tầm một festival quốc tế.